plans car

Trên thực tế Tây Ban Nha đã quá ngây thơ và bạc nhược

Một đội có thể bắt đầu với một kiểu chơi và kết thúc với một kiểu khác. Có khi họ thay đổi kiểu chơi liên tục. Nhưng Tây Ban Nha của Luis Enrique thì không.

Thua trong thi sút phạt đền luôn là cách thua rất tàn nhẫn. Người hâm mộ đều hiểu nỗi thống khổ của các cầu thủ. Nhưng thái độ của người hâm mộ với Luis Enrique và các cầu thủ của ông là sự hoài nghi hơn là thông cảm.

Ông Enrique đã phát biểu rằng Tây Ban Nha đã tập sút phạt đền đến hơn 1.000 lần, vậy mà sau khi bế tắc trong cả trận đến trước những cú sút dễ nhất trong bóng đá, họ cũng không phá được lưới đối thủ.

Đã có lần nào trong lịch sử World Cup diễn ra một loạt đá luân lưu và một đội không đưa được bóng vào lưới đối thủ, dù chỉ một lần? Thực tế cũng có, đó là Thụy Sĩ khi thua Ukraine ở vòng 16 đội tại giải năm 2006 ở Đức. Nhưng với Tây Ban Nha thì đau hơn. Lịch sử như chiếc balô chứa đầy gạch đặt trên vai. Đã bốn giải World Cup, “La Roja” bị đá bay bởi loạt sút này, hay nói cách khác, Tây Ban Nha loại mình khỏi giải bằng những cú sút tưởng chừng là đơn giản nhất.

Nhớ lại 1 năm trước khi mà trận bán kết Euro 2020 với Italy vào loạt đấu súng, Dani Olmo thực hiện cú sút đầu tiên dội xà ngang. Và máu trong cơ thể của Alvaro Morata như cạn sạch, người anh tái nhợt khi đến lượt thực hiện quãng đường đi bộ từ vòng tròn giữa sân đến chấm 11 m. Morata sút hỏng, Luis Enrique cùng Tây Ban Nha thất bại, nhưng ông đã học được gì từ thất bại đó.

Tây Ban Nha cầm bóng tới 77% trước Morocco. Thực hiện 1.063 đường chuyền, tỷ lệ chuyền bóng chính xác là 90%. Morocco chỉ có 238/331 lần chuyền bóng chính xác. Bất cứ ai bỏ lỡ trận đấu, có thể xem các số liệu thống kê và cho rằng đó hẳn là một trò hề khi trận đấu kết thúc không bàn thắng. Nhưng nó xảy ra như nhiều lần khác. Tây Ban Nha chuyền, chuyền và chuyền, và không ghi bàn.

Người Tây Ban Nha tự hào vì họ có đế chế Tiki- Taka khuấy đảo thế giới vào những năm đầu 2010, họ hãnh diện cho rằng nếu “đá bóng ma”, Tây Ban Nha giỏi nhất thế giới. Nhưng chuyền nhiều để làm gì khi mà việc cốt lõi để chiến thắng là ghi bàn thì họ lại không làm được.

Có nhiều cách khác, tấn công hai biên, tạt cánh đánh đầu, bóng dài vượt tuyến. Dùng cá nhân rê dắt tốt liên tục đột phá làm xộc xệch hàng thủ đối phương. Nhử cho đối phương lên bóng tấn công rồi phản công nhanh như Pháp. Bắn phá khung thành đối phương liên tục, thực hiện chiến thuật gegenpressing để thu hồi bóng, có bóng bắn phá tiếp như Argentina.

Một đội bóng có thể bắt đầu với một kiểu chơi và kết thúc với một kiểu khác. Có khi họ thay đổi kiểu chơi liên tục. Nhưng Tây Ban Nha của Luis Enrique thì không, từ đầu đến cuối họ chơi như vậy. Một lối đá bạc nhược đến mức những cầu thủ của Morocco chỉ cần giữ đúng vị trí là đã “phá” được lối chơi của Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha hôm qua có một cầu thủ rê dắt lắt léo như Vinicius thì họ có thể mở khóa hàng thủ Morocco. Bóng đá Tây Ban Nha có cầu thủ như vậy không? Câu trả lời là có, thậm chí họ có rất nhiều. Nhưng những cầu thủ đó không nằm trong kế hoạch của Luis Enrique, vì ông sợ một cầu thủ như vậy sẽ là “con cừu đen” phá hỏng lối chơi của cả một bầy cừu trắng của mình.

Trên tất cả, Luis Enrique đã quá bảo thủ, ông bảo thủ từ chiến thuật đến lối chơi đến cả việc lựa chọn nhân sự. Hệ quả kéo theo là thất bại của cả một tập thể đầy rẫy những ngôi sao, một đội bóng từng là bá chủ của bóng đá thế giới. Tây Ban Nha chỉ còn biết tự trách mình là đội bóng ngây thơ nhất giải, ngây thơ đến tuyệt vọng.

Website:

Comments are closed.